Qua đời Ananda Mahidol

Ngày 9 tháng 6 năm 1946, người ta phát hiện Quốc vương bị bắn chết tại tẩm thất ở Vương toạ sảnh Boromphiman (một cung hiện đại thuộc Đại Cung), chỉ bốn ngày trước thời điểm ông dự định trở lại Thụy Sĩ để hoàn thành học vị tiến sĩ Luật tại Đại học Lausanne.

Nhà nghiên cứu bệnh học của Bộ Nội vụ Anh Quốc là Keith Simpson tiến hành một phân tích pháp lý về việc Quốc vương qua đời, ông thuật lại chuỗi sự kiện trong buổi sáng ngày 9 tháng 6:[2]

Ananda được mẹ đánh thức vào hồi 6 giờ sáng.

Đến 7.30 sáng, tiểu đồng của ông là But Pathamasarin đang trong giờ làm việc và bắt đầu chuẩn bị bàn ăn sáng trên một ban công tiếp giáp với canh y phòng của Quốc vương.

Đến 8.30 giờ sáng, But Pathamasarin trông thấy Quốc vương ở trong canh y phòng của ông. But Pathamasarin dâng cho Quốc vương cốc nước cam ép như thường lệ một vài phút sau đó. Tuy nhiên, Quốc vương trở lại tẩm thất và từ chối dùng cốc nước cam ép.

Đến 8.45 sáng, tiểu đồng khác của quốc vương là Chit Singhaseni xuất hiện, thuật rằng cậu ta được gọi đến để đo các huân huy chương của Quốc vương để một thợ kim hoàn có thể đóng một chiếc hòm đựng chúng.

Lúc 9 sáng, Thân vương Bhumibol Adulyadej đến thăm Quốc vương Ananda, Bhumibol Adulyadej sau đó nói rằng mình thấy vương huynh thiu thiu ngủ ở trên giường.

Đến 9.20 sáng, một tiếng súng nổ duy nhất vang ra từ tẩm thất của Quốc vương. Chit chạy vào phòng, và sau đó chạy đến phòng mẹ của Quốc vương, khóc lóc nói rằng "Quốc vương tự bắn vào mình!"

Mẹ của Quốc vương theo Chit vào tẩm thất của Quốc vương và thấy ông nằm úp mặt trên giường, máu chảy ra từ một vết thương trên đầu.

Hậu quả

Một thông cáo phát thanh ban đầu vào ngày 9 tháng 6 phỏng đoán rằng Quốc vương vô tình tự bắn vào mình khi đang chơi đùa với khẩu súng ngắn của ông.[3]

Một thời gian ngắn sau đó, Đảng Dân chủ phát tán tin đồn rằng Pridi Banomyong đứng đằng sau vụ việc.[4]

Đến tháng 10 năm 1946, một Uỷ ban điều tra ra thông báo rằng sự việc quốc vương qua đời có thể không phải là tình cờ, song không đưa ra lời giải thích thoả đáng rằng đây là một vụ tự sát hay mưu sát.

Đến tháng 11 năm 1947, Thống chế Plaek Pibulsonggram tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu lên của Pridi, bổ nhiệm lãnh đạo Đảng Dân chủ là Khuang Aphaiwong làm thủ tướng, và hạ lệnh tiến hành một vụ xét xử. Thư ký của Quốc vương Ananda là Thượng nghị sĩ Chaleo Patoomros, cùng với hai tiểu đồng But và Chit bị bắt giữ và bị buộc tội âm mưu hành thích Quốc vương.

Viêc xét xử khởi đầu vào tháng 8 năm 1948. Trước đó, Pibulsonggram thừa nhận với Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan Edwin Stanton rằng ông ta nghi ngờ về việc phiên toà có thể giải toả các bí ẩn về sự việc Quốc vương Ananda Mahidol qua đời.[4] Bên công tố nhận được sự hỗ trợ của 124 nhân chứng và do số tài liệu bằng chứng đồ sộ nên người bào chữa yêu cầu hoãn phiên toà để có đủ thời gian xem xét chúng. Khi yêu cầu này bị bác, luật sư bào chữa từ nhiệm, và nhóm luật sư mới được thay thế. Sau đó, hai người trong nhóm luật sư bào chữa bị bắt và bị buộc tội phản nghịch. Trong số hai người còn lại, một người từ nhiệm, chỉ còn lại một luật sư trẻ là Fak Na Songkhla biện hộ cho bị cáo. Đến cuối phiên toà, người con gái mới tốt nghiệp của Chaleo Patoomros cùng tham gia bào chữa.

Việc xét xử kết thúc vào tháng 5 năm 1951, toà án phán quyết rằng Quốc vương Ananda bị ám sát, song Chaleo không được chứng minh là có tội và cả hai tiểu đồng đều không bắn Quốc vương. Tuy nhiên, họ cho rằng Chit tham gia vào tội ác, các cáo buộc chống lại Chaleo và But bị bác và họ được phóng thích.

Chit chống án, và bên công tố chống lại tuyên bố trắng án cho Chaleo và But. Sau 15 tháng nghị án, Toà phúc thẩm bác đơn chống án của Chit, và quyết định rằng But cũng có tội.

Chit và But kháng cáo lên Toà thượng thẩm, sau 10 tháng nghị án thì toà ra phán quyết y án với cả hai, ngoài ra còn kết án Chaleo có tội.

Tháng 2 năm 1955, Chaleo Patoomros và cả hai tiểu đồng bị chính phủ Pibulsonggram hành quyết về tội âm mưu ám sát Quốc vương.